Marie Curie (7/11/1867 – 4/7/1934)
Marie Curie là nhà vật lý, hóa học người Ba Lan, được xem là một trong các nhà khoa học nữ nổi tiếng nhất thế giới. Bà là người phát hiện ra các nguyên tố radium và polonium, phát triển các kỹ thuật cô lập các đồng vị phóng xạ và đặt ra thuật ngữ “độ phóng xạ”. Năm 1903, bà cùng với chồng mình là Pierre Curie đoạt giải Nobel vật lý về “những đóng góp đặc biệt mà họ mang lại nhờ những nghiên cứu chung về hiện tượng bức xạ do Giáo sư Henri Becquerel phát hiện”. Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng Nobel vật lý. Sau đó, bà tiếp tục nghiên cứu về bức xạ và đoạt giải Nobel hóa học năm 1911 để “ghi nhận việc phát hiện ra các nguyên tố radium và polonium”. Bà là người phụ nữ duy nhất và là người đầu tiên giành được hai giải Nobel trong các lĩnh vực khoa học khác nhau. Ngoài công việc khoa học, Marie Curie còn là người ủng hộ mạnh mẽ quyền lợi và giáo dục của phụ nữ.
Chien-Shiung Wu (31/5/1912 – 16/2/1997)
Chien-Shiung Wu là nhà vật lý người Mỹ gốc Trung Quốc, được xem là một trong những nhà vật lý thực nghiệm hàng đầu trên thế giới. Bà là nhà khoa học đầu tiên xác nhận, sau đó cải tiến lý thuyết về phân rã beta phóng xạ của Enrico Fermi. Bà cũng được biết đến với “Thí nghiệm Wu”, bằng chứng thực nghiệm cho thấy nguyên lý bảo toàn chẵn lẻ không đúng trong các tương tác hạ nguyên tử yếu, đã lật ngược lý thuyết về tính chẵn lẻ trong vật lý. Bước đột phá này đã dẫn đến giải thưởng Nobel vật lý năm 1957 được trao cho hai nhà vật lý người Trung Quốc khác, trong khi vai trò quan trọng của Chien-Shiung Wu bị bỏ qua.
Maria Goeppert Mayer (28/6/1906 – 20/2/1972)
Maria Goeppert Mayer là nhà vật lý người Mỹ gốc Đức. Đóng góp nổi tiếng nhất của bà cho vật lý hiện đại là khám phá ra cấu trúc lớp vỏ hạt nhân của hạt nhân nguyên tử, nhờ đó bà đã đoạt giải Nobel năm 1963 (cùng với J. Hans D. Jensen và Eugene Wigner).
Lise Meitner (7/11/1878 – 27/10/1968)
Lise Meitner, nhà vật lý người Áo, là một trong hai phụ nữ duy nhất được đặt tên cho một nguyên tố để vinh danh, nguyên tố có số nguyên tử 109 được gọi là Meitnerium (nguyên tố còn lại là Curium, đặt theo tên của Marie Curie). Bà là nữ giáo sư vật lý đầu tiên ở Đức và là nhà khoa học đầu tiên đưa thuật ngữ “phân hạch hạt nhân” vào một bài báo đã xuất bản. Trong sự nghiệp của mình, bà đã khám phá, giải thích cách thức hoạt động của quá trình phân hạch hạt nhân và phát hiện ra nguyên tố protactinium. Lise Meitner đã gặp phải sự phân biệt đối xử với phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và bị từ chối giải Nobel hóa học năm 1944, giải thưởng chỉ trao cho người làm việc với bà là Otto Hahn vì đã phát hiện ra phản ứng phân hạch hạt nhân.
Hedy Lamarr (9/11/1914 – 19/1/2000)
Hedy Lamarr là nữ diễn viên điện ảnh kiêm nhà phát minh người Mỹ gốc Áo. Bà là người đồng sáng chế một công nghệ vô tuyến nhảy tần sơ khai, đặt nền móng cho các công nghệ vô tuyến không dây, sử dụng rộng rãi trong kết nối WiFi, bluetooth ngày nay. Năm 1942, Hedy Lamarr và nhà soạn nhạc George Antheil được cấp bằng sáng chế cho hệ thống kĩ thuật trải phổ và nhảy tần sơ khai, dùng để chống nhiễu sóng cho các loại ngư lôi được điều khiển bằng sóng vô tuyến. Tín hiệu sóng vô tuyến liên tục biến đổi tần số là điểm mấu chốt trong phát minh của Hedy. Phát minh vượt xa thời đại này không được ứng dụng dân sự mãi đến khi xảy ra khủng hoảng tên lửa Cuba 20 năm sau. Với nhan sắc xinh đẹp, khi mất đi, Hedy Lamarr để lại hình ảnh nổi tiếng là diễn viên điện ảnh hơn là nhà phát minh.