Khi cuộc sống khó khăn, các giá trị cuộc sống, mục tiêu mà bạn đặt ra cho bản thân vì thế cũng khó thực hiện hơn. Điều đó rất đáng thông cảm, chia sẻ. Dẫu bạn có bươn chải với cơm, áo, gạo, tiền nhưng bạn đừng đánh mất những điều tốt đẹp trong chính bản thân mình. Bạn hãy nhớ "cho đi" những thứ mà bạn có, bạn sẽ nhận được nhiều hạnh phúc hơn. Những thứ “cho đi” đó là gì?

Cho đi tri thức

Thầy cô giáo cho đi kiến thức của mình; đồng nghiệp hỗ trợ đồng nghiệp những gì họ biết trong công việc; người viết sách cung cấp kho tàng thông tin cho mọi người. Những giá trị của tri thức luôn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần giúp mọi người trở thành người có tri thức, học rộng, tài cao, trong đó có bạn.

Bạn học nhiều, đọc nhiều là bạn đang làm giàu vốn kiến thức của mình. Chính vì thế, khi bạn cho đi tri thức là bạn đang truyền đi những điều tốt đẹp cho những người xung quanh. Cuộc sống vì thế sẽ văn minh, tiến bộ hơn, bớt đi những điều xấu xa.

Cho đi lòng tốt

Bạn là một thanh niên tràn đầy năng lượng, đang ngồi trên xe buýt; thấy một người già hay phụ nữ mang thai vừa lên xe, không có chỗ ngồi, bạn nhường ghế đang ngồi cho họ. Bạn thấy một người tàn tật đang loay hoay ở ngã tư đường, xe cộ đông đúc, chưa biết băng qua đường như thế nào, bạn giúp họ băng qua đường một cách an toàn. Bạn muốn làm từ thiện mà không có tiền; không thành vấn đề; người khác góp của, bạn góp công.

Những việc làm tốt của bạn tuy rất nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng lớn. Nó không hẳn là tiền bạc. Cho đi lòng tốt không phải được đo lường bằng số lượng của vật chất, mà nó thể hiện từ tâm hồn của bạn. Khi cho đi lòng tốt, không chỉ bạn đang làm giàu nhân cách mình lên mà còn nhân rộng hành động đó. Những người xung quanh nhìn thấy việc bạn làm sẽ cảm kích. Việc làm tốt được trân trọng, sẽ khuyến khích người khác làm theo.

Cho đi kinh nghiệm

Bạn khởi nghiệp, chắc chắn bạn thiếu kinh nghiệm. Bạn bắt đầu làm việc ở chỗ làm mới, hẳn nhiên bạn lạ lẫm với môi trường lạ. Bạn đi du học nước ngoài, tất nhiên bạn sẽ bỡ ngỡ với cuộc sống mới ở nơi xứ người. Trong các trường hợp như thế này, chắc chắn bạn sẽ biết ơn những người truyền kinh nghiệm quý báu của họ cho bạn. Bạn sẽ thành công nhanh hơn với những kinh nghiệm nhận được. Ngược lại, bạn cũng có những kinh nghiệm mà người khác không có. Vậy tại sao bạn lại không cho đi kinh nghiệm của mình khi người khác cần?

Việc giữ bí mật nghề nghiệp hay công thức pha chế độc quyền là một chuyện khác. Ở đây là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm trong công việc. Thế nên, khi có cơ hội, bạn nên cho đi kinh nghiệm của mình để giúp người khác có kết quả tốt đẹp hơn, đặc biệt nếu đó là phương pháp chữa bệnh hiệu quả, bạn đã cứu người rồi đấy.

Cho đi sự động viên, chia sẻ

Bạn không thể sống đơn độc một mình trên thế gian này được. Bên cạnh bạn luôn có bạn bè, những mối quan hệ. Bạn thỉnh thoảng đạt được thành tích tốt hay đôi khi gặp một chuyện buồn. Ngay lúc ấy, bạn nhận được lời động viên, chia sẻ từ đồng nghiệp hay bạn bè, bạn sẽ cảm thấy ấm áp, hạnh phúc như thế nào.

Trong cuộc sống luôn có những diễn biến xảy ra bất chợt, không ai có thể lường trước được chúng đến lúc nào. Lời động viên, chia sẻ đúng lúc của bạn đối với thành công hay nỗi buồn của bạn bè, có thể khiến trái tim, tâm hồn của họ được sưởi ấm, thức tỉnh. Bạn hãy nhớ, con người sống không chỉ cần vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Giá trị của lời động viên, chia sẻ đôi khi rất quan trọng.

Cho đi sự bao dung

Đã là người, ai cũng có hai mặt thiện và ác cùng song hành tồn tại. Bạn bè thân thiết đôi khi cũng gây ra không ít tổn thương cho nhau. Dù đó là sự tổn thương vô tình hay hữu ý, nó đều khiến tinh thần bạn bị xúc phạm. Thay vì nghĩ tới tổn thương nhất thời, bạn có thể nghĩ, làm người, không ai không tránh khỏi những giây phút sai lầm, ngay cả bạn cũng vậy.

Khi bạn cho đi sự bao dung, người mắc lỗi sẽ cảm thấy được an ủi, có động lực, cơ hội để sửa chữa. Còn họ có thành thật hay không là chuyện của họ. Với bản thân bạn, bao dung là cách để giúp cho tâm hồn thanh thản hơn, trút bỏ những suy nghĩ thù ghét, nặng nề ở trong lòng. Hãy dành thời gian tận hưởng cuộc sống yên bình, hạnh phúc của chính mình.

*****

Bạn thấy đó, những thứ bạn “cho đi” không phải là tài sản, vật chất, của cải giàu có gì cả. Không cần phải chờ đến khi bạn giàu có, bạn mới có thể cho đi. Bạn hãy luôn nhớ rằng: Bạn đối xử với cuộc sống như thế nào thì cuộc sống sẽ đối xử với bạn như thế đó. Bạn đối xử với người khác như thế nào thì người khác cũng đối xử lại với bạn như thế đó. Nhiều người cứ nghĩ rằng, cho đi là sự mất mát và nhận được điều gì đó mới là hạnh phúc. Nhưng sự thật, người cho đi mới là người hạnh phúc nhất.