Chuyện thứ nhất. Một người cha và cô con gái nhỏ đang đi dạo trong công viên. Cô con gái nhỏ nhìn thấy người bán táo và đòi cha của mình mua táo để ăn. Người cha không mang theo nhiều tiền nhưng cũng đủ mua hai quả táo cho con gái mình.
Cô con gái nhỏ cầm hai quả táo trên hai tay, nét mặt vui lắm. Người cha thử hỏi đứa con gái yêu, liệu có thể chia sẻ một quả táo cho cha không. Vừa nghe điều này, cô con gái đã nhanh chóng cắn một miếng nhỏ vào quả táo thứ nhất. Và trước khi cha cô kịp nói tiếp, cô cũng đã cắn một miếng vào quả táo thứ hai.
Người cha rất ngạc nhiên. Một thoáng suy nghĩ qua đầu của ông, liệu có chuyện gì xảy ra với nhân cách của đứa trẻ, liệu có chuyện gì không hiểu nhau giữa hai cha con mà cô con gái lại có hành động ích kỷ như vậy. Đầu óc người cha chìm trong những suy nghĩ, rằng có lẽ ông đang suy nghĩ quá nhiều, con gái của ông còn quá bé nhỏ để hiểu về sự sẻ chia và cho đi.
Đột nhiên, cô con gái nhỏ đưa một quả táo trên tay cho ông, nói: “Cha ăn quả này nè. Quả này ngon và ngọt hơn quả kia nhiều”. Người cha nghẹn ngào, không nói nên lời. Ông cảm thấy hối hận khi đưa ra phán xét quá nhanh về một đứa trẻ nhỏ. Nụ cười của ông trở lại ngay khi biết lý do tại sao con gái ông nhanh chóng cắn từng quả táo.
Chuyện thứ hai. Chuyện diễn ra từ xa xưa ở một ngôi làng nọ. Một ông già thấy thỉnh thoảng trong làng mất những món đồ lặt vặt. Ông tung tin rằng, người thanh niên hàng xóm của ông là một tên trộm. Kết quả là nam thanh niên bị bắt. Nhưng sau đó, người thanh niên được minh oan là vô tội.
Sau khi được thả, người thanh niên cảm thấy bẽ mặt khi trở về nhà mình. Anh ta quyết kiện ông già vì đã tung tin về anh một cách sai trái. Tại tòa án, vị quan tòa nói với ông già: Hãy viết tất cả những điều ông đã nói về người thanh niên ấy trên một mẩu giấy. Cắt chúng ra và trên đường về nhà, ném các mảnh giấy ra ngoài. Ngày mai quay lại nghe phán xử.
Ngày hôm sau, vị quan tòa nói với ông già: Trước khi nhận bản án, ông sẽ phải ra ngoài, nhặt hết tất cả những mảnh giấy mà ông đã ném ra hôm qua. Ông già nói: Tôi không thể làm điều đó! Gió đã thổi chúng bay đi khắp nơi, tôi sẽ không biết tìm chúng ở đâu.
Quan tòa trả lời: Tình huống vụ việc của ông cũng tương tự như vậy. Những lời nói đơn giản, không đúng sự thật có thể hủy hoại danh dự của người khác đến mức không thể sửa chữa được. Ông già nghe xong, nhận ra lỗi lầm của mình và xin được tha thứ.
Chuyện thứ ba. Truyện Người thiếu phụ Nam Xương kể về một người vợ có chồng đi chinh chiến. Mỗi đêm, khi đứa con nhỏ hỏi cha đâu, người vợ chỉ vào bóng mình trên vách và nói với đứa con nhỏ: “Cha con đó!”.
Đến ngày người chồng về, người vợ bảo con đến ôm cha, đứa con khóc thét lên bảo: “Không, ông này không phải cha con!”. Người chồng nghe vậy nổi cơn ghen. Vợ nói thế nào, anh ta cũng không nghe. Người vợ đau khổ quá, gieo mình xuống sông tự vẫn.
Một buổi tối khi ngồi bên con dưới ánh đèn dầu, đứa con bỗng chỉ vào vách kêu lên: “Cha con về kìa!”. Người cha nhìn thấy bóng mình trên vách, chợt hiểu ra, anh ta đau xót tột cùng. Anh nhận ra sai lầm thì đã muộn.
Ba câu chuyện cho chúng ta một bài học: Đừng vội phán xét hoặc kết luận bất cứ điều gì quá nhanh chóng mà chúng ta chưa biết rõ sự thật. Lời nói của bạn có thể làm tổn hại danh dự của ai đó mà không phải do lỗi của họ. Hãy luôn dành thời gian để tìm hiểu mọi thứ rõ ràng, chính xác hơn.