Tûranor PlanetSolar

Tûranor PlanetSolar, được hạ thủy vào ngày 31/3/2010, là con tàu chạy bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Con tàu dài 31 mét được bao phủ 537 m2 tấm pin mặt trời có công suất 93 kW, kết nối với hai động cơ điện ở hai bên thân tàu. Tûranor PlanetSolar có thể đạt tốc độ đến 10 hải lý/giờ (18 km/h).

Con tàu được đăng ký tại Thụy Sĩ. Ngày 27/9/2010, Tûranor PlanetSolar khởi hành từ Monaco đi vòng quanh thế giới, kết thúc hành trình vào ngày 4/5/2012, trong 584 ngày. Con tàu được đổi tên thành Race for Water năm 2015. Vào năm 2021, các chủ sở hữu mới đã đổi tên con tàu thành Porrima.

Sunreef 80 Eco Hydrogen

Công ty đóng tàu Sunreef Yachts của Ba Lan đang chế tạo chiếc du thuyền Sunreef 80 Eco Hydrogen đầu tiên, dài gần 24 mét, cho chủ sở hữu muốn có những chuyến du ngoạn dài ngày thú vị trên biển.

Sunreef 80 Eco Hydrogen sử dụng kết hợp pin nhiên liệu hydro công nghệ cao (75kW), hệ thống pin tùy chỉnh (440kWh), hai động cơ điện 120kW và lớp phủ tấm pin mặt trời (32kWp). Ngay cả khi không có đủ ánh sáng mặt trời để tạo ra nguồn điện, du thuyền vẫn có thể dựa vào nguồn nhiên liệu hydro trữ sẵn để hoạt động.

Peace Boat’s Ecoship

Ecoship là bước tiếp theo trong quá trình phát triển 35 năm con tàu được vận hành bởi Peace Boat, một tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản. Peace Boat đã tập hợp các chuyên gia trong các lĩnh vực kỹ thuật hàng hải, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học cho một hội thảo thiết kế tàu thân thiện với môi trường vào tháng 4/2014, nhằm phát triển một con tàu hiệu suất cao với nhu cầu năng lượng ít nhất.

Được tuyên bố là tàu du lịch xanh nhất thế giới, Ecoship được thiết kế với mười cánh buồm phủ tấm pin điện mặt trời và một trang trại điện mặt trời rộng 6.000m2 ở boong trên cùng. Ecoship cũng có khả năng chạy bằng nhiên liệu sinh học. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đốt sạch hơn sẽ được sử dụng làm nhiên liệu chính cho động cơ.

Mayflower 400

Mayflower 400 là con tàu không có thủy thủ đoàn, dài 15,2 mét, được làm bằng hợp kim nhôm, do IBM thiết kế, chạy dựa vào AI và điện toán trên hành trình thám hiểm vượt Đại Tây Dương. Mayflower hoạt động với pin năng lượng mặt trời, có tốc độ tối đa 10 hải lý/giờ (khoảng 18 km/h). Mặc dù gặp một số trục trặc kỹ thuật phải khắc phục, nhưng các hệ thống tự hành đã hoạt động hoàn hảo.

Con tàu do một robot trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển, khởi hành từ tháng 4/2022, trải qua sáu tháng trên biển từ Plymouth, Vương quốc Anh đến Plymouth, Boston, Mỹ. “Thuyền trưởng AI” sẽ quyết định hoàn toàn các điều hướng của chính mình trong quá trình hoạt động. Nó có phần mềm rất tinh vi, giúp con tàu không chỉ có thể “quét” trên đường đi để tìm các mối nguy hiểm có thể xảy ra từ hàng dặm phía trước mà còn có khả năng đưa ra quyết định sáng suốt về việc thay đổi hướng đi của nó.

Mayflower cũng được trang bị một loạt bộ phận hỗ trợ thăm dò như khí tượng học, hải dương học, khí hậu, cảm biến âm thanh, nhiệt độ, mẫu nước…, để phục vụ mục đích nghiên cứu. Để liên lạc thường xuyên với con tàu từ xa, các kỹ sư, nhà khoa học sử dụng một cổng thông tin web tương tác để cập nhật theo thời gian thực về vị trí của con tàu, điều kiện môi trường cũng như dữ liệu từ con tàu.

Sea Zero

Công ty vận tải Hurtigruten Na Uy vừa lên kế hoạch đóng một con tàu du lịch tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới. Tàu du lịch điện được phát triển với tên dự án Sea Zero. Nó dài 135 mét, có 270 cabin cho 500 khách và 99 thành viên thủy thủ đoàn. Tàu sẽ được trang bị ba cánh buồm cao tới 50 mét có thể thu vào, và lắp các tấm pin mặt trời rộng hơn 1.500 m2. Tàu sẽ có hệ thống pin với tổng công suất 60 MWh. Những pin này sẽ được sạc trong thời gian tàu cập cảng, cho phép hoạt động trong phạm vi từ 300 đến 350 hải lý.

Dự án Sea Zero đang bước vào giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ nhằm hướng tới con tàu không phát thải, tập trung vào sản xuất pin, công nghệ đẩy, thiết kế thân tàu, các hoạt động bền vững giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng đến mức tối thiểu. Con tàu không phát thải đầu tiên, dự kiến ra khơi vào năm 2030.

MY 77 Hybrid

Công ty đóng tàu Fabiani Yacht của Ý đã khởi công đóng chiếc du thuyền chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên của họ vào tháng 4/2022, dự kiến hoàn thành vào mùa hè năm 2023. Du thuyền làm bằng nhôm, có chiều dài 24 mét, có tên là MY 77 Hybrid.
MY 77 Hybrid được thiết kế với 110 m2 tấm pin điện mặt trời được trang bị xung quanh du thuyền, có thể mở ra và đóng vào. Năng lượng mặt trời tạo ra được lưu trữ trong hệ thống pin, sẽ cung cấp năng lượng cho hai động cơ điện. Ở chế độ điện, du thuyền có thể hành trình trong tối đa 16 giờ với vận tốc từ 6 - 8 hải lý/giờ. Là một chiếc hybrid, nó cũng có hai động cơ diesel Man V12 1900 mã lực cho phép du thuyền đạt tốc độ hành trình 20 hải lý/giờ.