Tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu không có sự phân biệt về diện tích hay GDP của một quốc gia. Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập thấp, tỉ lệ đói nghèo cao thường không có nhiều nguồn lực để đối phó với tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu. 10 quốc gia sau đây chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

1. Chad

Chad được coi là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới về khí hậu theo nghiên cứu của Đại học Notre Dame. Lũ lụt cuối năm 2022 ảnh hưởng đến hơn 1 triệu người dân và khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực lan rộng. Ngành nông nghiệp của Chad sử dụng 80% lực lượng lao động và chiếm hơn 50% GDP của đất nước. Biến đổi khí hậu khiến ngành nông nghiệp trở nên bất ổn hơn, người dân mất đi cả sinh kế và nguồn cung cấp thực phẩm.

2. Somali

Biến đổi khí hậu đã tác động tàn khốc đối với Somalia. Điều này thể hiện qua trận hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm xảy ra ở vùng Sừng châu Phi (Horn of Africa) những năm gần đây, khiến hàng triệu người Somali đối mặt nguy cơ nạn đói và cần viện trợ nhân đạo. Ở chiều ngược lại, lũ quét vào tháng 3/2023 cũng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng trăm nghìn người. Xung đột chính trị và cơ sở hạ tầng xuống cấp trong vài thập kỷ qua ở Somalia đã gây khó khăn cho việc ứng phó với các hiện tượng khí hậu bất thường.

3. Syria

Hơn một thập kỷ chiến tranh và hạ tầng xuống cấp đã làm suy giảm khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của Syria. Hạn hán khắc nghiệt và trận động đất vào tháng 2/2023 gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người Syria. Điều này cho thấy những thách thức liên quan đến ứng phó các tình huống khẩn cấp ở quốc gia nằm tại Trung Đông này.

4. Cộng hòa Dân chủ Congo

Báo cáo khí hậu và phát triển năm 2023 của Cộng hòa Dân chủ Congo cho thấy quốc gia này đang phải hứng chịu sự gia tăng cả lũ lụt và hạn hán, cả hai đều có tác động đáng kể đến tình trạng nghèo đói. Xung đột quân sự dai dẳng, dịch bệnh bùng phát, tỉ lệ nghèo đói cao, các yếu tố này đã làm suy yếu khả năng ứng phó với thảm họa khí hậu và tình trạng mất an ninh lương thực ở quốc gia này. Vào tháng 5/2023, mưa lớn gây ra lũ lụt, lở đất nghiêm trọng ở nam Kivu, ảnh hưởng đến hơn 15.000 người và cướp đi sinh mạng của hơn 500 người.

5. Afghanistan

Từ năm 1950 - 2010, nhiệt độ ở Afghanistan đã tăng 1,80C. Lượng mưa giảm nhiều và hạn hán là mối đe dọa hiện tại đối với nguồn lương thực của đất nước chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Năm 2023, 26/34 tỉnh của Afghanistan bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí hậu, bao gồm hạn hán kéo dài 3 năm liên tiếp, trong khi một số vùng còn lại của nước này lại hứng chịu lũ lụt. Điều này làm giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Afghanistan.

6. Nam Sudan

Nam Sudan đã hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực do lũ lụt nghiêm trọng vào cuối năm 2022, ảnh hưởng đến hơn 900.000 người. Mặc dù cuộc nội chiến trong nước đã kết thúc vào năm 2018 nhưng xung đột cục bộ vẫn còn, cho thấy mức độ sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu chưa cao và người dân dễ bị tổn thương trước các thảm họa khí hậu.

7. Cộng hòa Trung Phi

Hơn một thập kỷ xung đột ở Cộng hòa Trung Phi đã ảnh hưởng lâu dài đến hệ sinh thái của đất nước. Với khí hậu nhiệt đới ở miền nam, đất nước này phải đối mặt với lũ lụt tàn khốc trong những năm gần đây, trong đó trận lũ lụt ở thủ đô Bangui vào năm 2022, phá hủy hơn 2.000 ngôi nhà. Nguồn nước bị ô nhiễm (từ lũ lụt cũng như từ ngành khai thác mỏ) dẫn đến gia tăng các bệnh lây truyền qua đường nước, gây căng thẳng cho hệ thống y tế ở Cộng hòa Trung Phi.

8. Nigeria

Lũ lụt vào cuối năm 2022 đã ảnh hưởng đến 2,5 triệu người ở Nigeria, gây thiệt hại lớn cho đất nông nghiệp của nước này. Do điều này và các vấn đề chính trị, năm 2023 ước tính có khoảng 25 triệu người Nigeria phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Tình hình này góp phần thêm khiến Nigeria trở nên mong manh trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

9. Ethiopia

Hạn hán đang ảnh hưởng đến hơn 24 triệu người Ethiopia trong năm thứ sáu liên tiếp cả nước bước vào mùa mưa khan hiếm. Xung đột trong khu vực và bất ổn chính trị đã gây khó khăn cho chính quyền Ethiopia trong việc giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.

10. Guiné-Bissau

Nằm ở Tây Phi, Guinea-Bissau có khoảng 350 km bờ biển, hơn 80 hòn đảo và một số cửa sông từ Đại Tây Dương. Điều này có nghĩa, lũ lụt là mối nguy hiểm thường xuyên, đặc biệt là trong mùa mưa. Năm 2023, những trận mưa lớn tạo ra cuộc khủng hoảng lương thực khiến nước này phải nhập khẩu hơn 120.000 tấn lương thực để bù đắp thâm hụt. Mực nước biển dâng cao là mối đe dọa cho 70% dân số và tình trạng nhiễm mặn gia tăng (một tác động khác của biến đổi khí hậu) dẫn đến giảm sản lượng lúa gạo, một trong những cây trồng chủ lực của đất nước.