1. Tia hồng ngoại, sóng hồng ngoại hay ánh sáng hồng ngoại là một phần của quang phổ điện từ. Mắt người không thể nhìn thấy tia hồng ngoại, nhưng con người có thể cảm nhận, phát hiện tia hồng ngoại dưới dạng nhiệt.
2. Frederick William Herschel (1738 - 1822) nhà thiên văn học người Anh gốc Đức, là người phát hiện ra ánh sáng hồng ngoại. Năm 1800, William Herschel tiến hành thí nghiệm đo sự khác biệt về nhiệt độ giữa các màu trong quang phổ khả kiến. Kết quả cho thấy, nhiệt độ tăng từ xanh sang đỏ. Ông phát hiện ra ánh sáng hồng ngoại khi nhận thấy nhiệt độ nóng hơn ngay bên ngoài rìa đỏ của quang phổ khả kiến!
3. Thuật ngữ infrared (hồng ngoại) là tiếng Latin, trong đó infra có nghĩa là bên dưới; red là màu đỏ, màu có bước sóng dài nhất trong quang phổ khả kiến. Do đó, nó có tên gọi là tia hồng ngoại.
4. Thuộc tính kép. Theo thuyết lượng tử, tia hồng ngoại hoạt động vừa giống như dạng sóng, vừa giống như dạng hạt (photon).
5. Bước sóng. Ánh sáng hồng ngoại có bước sóng dài hơn bước sóng của ánh sáng khả kiến. Ánh sáng hồng ngoại trải dài từ rìa đỏ của ánh sáng khả kiến, có bước sóng từ 700 nanomet (0,7 micromet) đến 1 milimet (1.000 micromet) trên quang phổ điện từ. Sóng hồng ngoại càng dài, khả năng xuyên qua vải hoặc lớp da càng kém. Ngược lại, sóng hồng ngoại càng ngắn (khoảng 0,7 micromet), mức độ xuyên thấu lớn hơn, có hại với sức khỏe con người.
6. Hấp thụ và phản xạ. Sự hấp thụ và phản xạ của sóng hồng ngoại phụ thuộc vào bản chất của chất mà sóng tác động vào. Các chất như ozon, carbon dioxide và hơi nước hấp thụ bức xạ hồng ngoại. Tuyết và lá nhôm là những chất phản xạ bức xạ hồng ngoại.
7. Khúc xạ và giao thoa. Sóng hồng ngoại thể hiện tính chất khúc xạ, khiến sóng hồng ngoại có sự thay đổi hướng nhẹ khi truyền từ môi trường này sang môi trường khác. Tính chất khúc xạ của sóng hồng ngoại có thể nhận thấy trong bầu khí quyển của Trái đất. Khi hai sóng hồng ngoại có cùng bước sóng gặp nhau, chúng sẽ giao thoa với nhau.
8. Các nguồn bức xạ hồng ngoại. Con người tiếp xúc sóng hồng ngoại hằng ngày dưới dạng nhiệt gồm: Ánh sáng mặt trời, đèn hồng ngoại, máy sưởi hồng ngoại, điều khiển từ xa (dùng cho tivi), ngọn lửa, kim loại nóng chảy, thủy tinh nóng chảy, bóng đèn sợi đốt, tia hồng ngoại phát ra từ các nguồn như lò nung hoặc khi cắt, hàn kim loại, đèn khò plasma…
9. Khoảng một nửa năng lượng từ Mặt trời đến Trái đất dưới dạng bức xạ hồng ngoại. Người ta ước tính rằng 54% bức xạ của Mặt trời là tia hồng ngoại, 39% là tia sáng khả kiến, 7% còn lại là tia cực tím. Sự cân bằng giữa bức xạ hồng ngoại hấp thụ và phát ra có tác động quan trọng đến khí hậu của Trái đất.
10. Bức xạ hồng ngoại là sóng nhiệt hoặc nguồn nhiệt. Điều này do chúng có đặc tính tạo ra nhiệt. Bất kỳ thứ gì tạo ra nhiệt đều có thể phát ra bức xạ hồng ngoại. Ngay cả cơ thể con người ở 370C cũng phát ra bức xạ “hồng ngoại xa”, có bước sóng khoảng 800 nm.
11. Sóng hồng ngoại có thể truyền qua lớp khói dày, bụi, sương mù, thậm chí một số vật liệu. Tính chất này được ứng dụng cho camera hồng ngoại hay kính nhìn ban đêm cho phép chúng ta “nhìn thấy” sóng hồng ngoại phát ra từ các vật thể ấm như con người và động vật. Trong chữa cháy, camera hồng ngoại được sử dụng để xác định vị trí của người hoặc động vật ở những điểm nóng đầy khói mù.
12. Bức xạ hồng ngoại tác động đến cơ thể. Bên cạnh lợi ích của tia hồng ngoại trong vật lý trị liệu (sử dụng máy sưởi hồng ngoại, phòng xông hơi hồng ngoại), thẩm mỹ (điều trị vết thương trên da, làm mịn nếp nhăn, cải thiện lưu thông máu đến da…), tia hồng ngoại cũng có thể gây hại cho mắt và da tùy thuộc cường độ, khoảng cách và thời gian tiếp xúc. Nhiệt độ quá cao có thể gây ra kiệt sức, say nắng. Thổi thủy tinh hay làm việc ở các lò nung kim loại nóng chảy được coi là độc hại do bức xạ hồng ngoại khá cao.