André-Marie Ampère (1775 – 1836). Cha của ông, Jean-Jacques Ampère, một thương gia và là người ngưỡng mộ triết lý của Jean-Jacques Rousseau, rằng những đứa trẻ không cần đến trường học chính quy, thay vào đó theo đuổi “sự giáo dục trực tiếp từ thiên nhiên”. Cha của Ampère đã cho Ampère tiếp cận giáo dục theo cách này, bằng cách cho phép con trai mình tự học và đọc bất cứ thứ gì mình muốn trong thư viện đầy ắp sách của mình. Ampère đọc rất nhiều sách và tiếp cận những cuốn sách toán học để bắt đầu tự học toán nâng cao ở tuổi 12.
Mặc dù không có bằng cấp gì nhưng với nền tảng kiến thức phong phú và chắc chắn, cùng với trí tuệ tuyệt vời của mình, Ampère nhanh chóng nổi tiếng trong giới khoa học. Tên tuổi của ông được xếp ngang hàng với các nhà khoa học vĩ đại khác của nước Pháp. Ampère là một trong những người tìm ra lực điện từ và phát biểu thành định luật mang tên ông (định luật Ampere). Đơn vị đo cường độ dòng điện mang tên Ampère (A) để vinh danh ông.
Hans Christian Ørsted (1777 – 1851). Khi còn nhỏ, Ørsted được giáo dục phần lớn thông qua kết hợp giữa tự học tại nhà và gia sư riêng. Năm 13 tuổi, khi giúp việc ở hiệu thuốc của cha là một dược sĩ, Ørsted bắt đầu quan tâm đến hóa học. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu đăng ký tuyển sinh vào Đại học Copenhagen (Đan Mạch), nơi ông học vật lý, triết học và dược phẩm, và lấy bằng tiến sĩ triết học.
Năm 1806, Hans Christian Ørsted trở thành giáo sư tại Đại học Copenhagen. Ông bắt đầu một kỷ nguyên khoa học mới khi phát hiện ra điện và từ có mối liên hệ với nhau. Các thí nghiệm nghiên cứu của Ørsted cho thấy, dòng điện chạy qua một dây dẫn có thể làm di chuyển một nam châm ở gần đó, chứng minh dòng điện tạo ra lực từ.
Michael Faraday (1791 – 1867). Cha của Faraday là một thợ rèn. Mẹ của ông là một phụ nữ vùng quê nhưng hiểu biết, đã hỗ trợ tinh thần cho con trai mình vượt qua tuổi thơ đầy vất vả. Ông là con thứ ba trong bốn người con của gia đình Faraday. Gia đình Faraday sống trong cảnh bần hàn, khó khăn, chính vì thế, cha mẹ không đủ khả năng cho Faraday được học hành chính quy. Michael Faraday chỉ đi học ở một trường học địa phương đến năm 12 tuổi, rồi nghỉ học, bắt đầu đi học việc. Ông học nghề thợ đóng sách, rồi phụ việc phòng thí nghiệm.
Ấy vậy mà, ít ai có thể đoán được rằng, ông đã để lại cho nhân loại những thành tựu to lớn về hóa học, vật lý và hơn thế nữa. Một trong những thành tựu vĩ đại nhất của ông là phát hiện ra hiện tượng cảm ứng điện từ.
James Prescott Joule (1818 – 1889). Sức khỏe thời thơ ấu của James Joule khá yếu, không thể đi học thường xuyên và do gia đình có điều kiện nên ông chỉ học ở nhà cùng gia sư từ khi còn nhỏ. Ông được dạy kèm bởi John Dalton một nhà toán học, hóa học nổi tiếng người Anh. Do sức khỏe của cha ông là chủ một nhà máy bia không được tốt nên Joule cùng với anh trai đã phải làm việc trong nhà máy bia khi còn ở tuổi 15.
Dưới ảnh hưởng của Dalton, Joule bắt đầu tự tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm. Ông đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nhiệt lượng và công, nhiệt và công có thể chuyển hóa lẫn nhau, dẫn đến định luật bảo toàn năng lượng. Đơn vị năng lượng joule (J), được đặt theo tên ông.
Thomas Alva Edison (1847 – 1931). Edison không được sinh ra từ nhung lụa. Edison là con út trong số bảy người con của cha mẹ ông. Năm 7 tuổi, cha mẹ ông đưa ông vào một trường học. Nhưng Edison chỉ đi học được 3 tháng thì nhà trường cho nghỉ học, vì cho rằng ông ấy bị suy nhược thần kinh. Edison được mẹ dạy học tại nhà, nhưng luôn là một đứa trẻ rất tò mò và tự học bằng nhiều cách. Edison làm việc rất chăm chỉ. Năm 12 tuổi, ông đi bán báo và kẹo trên tàu hỏa.
Edison phải vươn lên từ những khó khăn trong cuộc sống, học từ những thất bại, để sau đó trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới. Edison phát minh ra các thiết bị quan trọng như: bóng đèn điện, pin lưu trữ kiềm, điện báo, máy hát đĩa, máy quay phim chuyển động,… Thomas Edison đã được cấp 1.093 bằng sáng chế của Hoa Kỳ cho các phát minh của mình.