Khái niệm điện áp

Điện áp (hay còn gọi là hiệu điện thế), được hiểu là chỉ số chênh lệch giữa nơi có điện áp cao và điện áp thấp. Điện áp thường được xác định trên dây dẫn. Ví dụ ở Việt Nam, điện áp lưới điện sinh hoạt là 220V.

Khi điện áp quá thấp, thiết bị điện sẽ không thể hoạt động tốt, bị đoản mạch. Ngược lại, khi điện áp quá cao, thiết bị điện có thể gặp nguy cơ cháy nổ.

Trong kỹ thuật điện, điện áp được ký hiệu là U, đơn vị của điện áp Volt (ký hiệu là V).

Một số khái niệm khác liên quan tới điện áp

Về mặt lý thuyết, có 7 khái niệm về điện áp mà bạn cần biết để hiểu hơn về chúng.

Điện áp danh định

Điện áp danh định là giá trị điện áp được thể hiện trên danh nghĩa xác định hay nhận dạng điện áp của một hệ thống điện nào đấy. Ví dụ, pin có điện áp danh định 12V thì điện áp hai đầu chỉ xấp xỉ 12V. Giá trị thực của điện áp không nhất thiết bằng giá trị danh định.

Điện áp hiệu dụng

Điện áp hiệu dụng là giá trị trung bình bình phương của điện áp cực đại ở hai đầu đoạn mạch điện.

Điện áp định mức

Điện áp định mức là điện áp chuẩn, là cơ sở cho việc thiết kế và vận hành lưới điện. Điện áp định mức quyết định đến khả năng chịu tải của lưới điện, cũng như cấu trúc, thiết bị của lưới điện. Với các thiết bị điện trong gia đình, điện áp định mức thường ở mức 220 - 240V.

Điện áp dây

Điện áp dây là giá trị được xác định bởi sự chênh lệch điện áp ở hai dây pha. Giá trị điện áp dây có thể được xác định bằng điện áp giữa dây pha A với dây pha B; dây pha A với dây pha C; hoặc dây pha B với dây pha C.

Điện áp pha

Điện áp pha là điện áp đo được giữa dây pha và dây trung tính. Hiểu đơn giản, điện áp pha chỉ là điện áp trên dây pha đó. Ví dụ, điện áp nhà bạn là 220V, có nghĩa là dây pha có điện áp 220V. Đây sẽ là điện áp giữa dây pha A với dây trung tính, hoặc điện áp giữa dây pha B với dây trung tính, hay điện áp giữa dây pha C với dây trung tính. Điện áp pha chỉ có trong lưới điện hạ áp.

Điện áp xoay chiều (AC)

Điện áp xoay chiều là điện áp có độ lớn và chiều thay đổi theo thời gian, biến thiên theo biểu đồ hình sin. Điện áp xoay chiều có 3 loại là điện áp 1 pha, 2 pha và 3 pha. Tuy nhiên, có 2 loại điện áp xoay chiều sử dụng phổ biến nhất là điện áp 1 pha và 3 pha.

Điện áp một chiều (DC)

Điện áp một chiều là điện áp chênh lệch giữa 2 cực của nguồn điện đi qua mạch với dòng điện một chiều. Dòng điện một chiều có thể thay đổi về cường độ và độ lớn, nhưng không thay đổi về chiều. Các cấp điện áp một chiều phổ biến 5, 9, 12, 24, 48V.

Trong thực tế, có 3 khái niệm về điện áp mà bạn nghe thấy thông dụng hơn.

Điện áp cao thế

Điện áp cao thế thường ở lưới điện quốc gia, với khả năng truyền tải điện đi xa, đến các khu vực khác nhau. Điện áp cao thế ở Việt Nam hiện có mức điện áp từ 110kV trở lên, bao gồm 110kV, 220kV, 500kV.

Dây điện cao thế là loại dây trần được lắp đặt trên cột điện bê tông ly tâm hoặc cột tháp bằng sắt rất cao. Dây cũng được kết nối với cột điện bằng các chuỗi cách điện, đảm bảo đúng yêu cầu về an toàn.

Sự chênh lệch điện áp của dòng điện cao thế có khả năng gây nguy hiểm đến con người và thiết bị khi tiếp xúc gần. Làm việc với điện áp cao thế đòi hỏi sự thận trọng và kiến thức sâu về an toàn và quản lý rủi ro.

Điện áp trung thế

Điện áp trung thế có cấp điện áp từ 15kV, 22kV đến 35kV. Máy biến áp có vai trò hạ áp mức điện áp cao thế từ lưới truyền tải, xuống điện áp trung thế của lưới phân phối cấp điện đến khu vực sử dụng như khu công nghiệp, khu dân cư,…

Các mức điện áp trung thế có thể phóng điện khi vi phạm khoảng cách an toàn (người hoặc vật đến gần dây điện hoặc thiết bị điện dưới 0,7m). Đường điện trung thế sử dụng dây bọc, dây trần lắp đặt trên cột bê tông ly tâm, cao từ 9 - 12m, sứ cách điện là sứ đỡ hoặc sứ treo.

Điện áp hạ thế

Điện áp hạ thế có hai cấp điện áp là 220V (điện 1 pha) dùng cho điện sinh hoạt và 380V (điện 3 pha) dùng cho sản xuất, dịch vụ, thiết bị có công suất cao. Máy biến áp có vai trò hạ áp mức điện áp trung thế từ lưới phân phối, xuống điện áp hạ thế, cung cấp cho các thiết bị điện gia đình, nhà xưởng.