Năm nhuận là gì?
Năm nhuận theo dương lịch (gọi ngắn gọn là năm nhuận dương lịch) là năm đó sẽ có 366 ngày, chứ không phải 365 ngày. Trong năm nhuận dương lịch, tháng 2 dương lịch sẽ có 29 ngày. Năm nhuận dương lịch có chu kỳ 4 năm diễn ra một lần.
Năm nhuận theo âm lịch (gọi ngắn gọn là năm nhuận âm lịch) là năm đó sẽ có 13 tháng âm lịch, chứ không phải 12 tháng âm lịch. Trong năm nhuận âm lịch, sẽ có 2 tháng âm lịch bất kỳ liên tiếp nhau.
Vì sao có năm nhuận?
Năm dương lịch được tính toán bởi chu kỳ thời gian Trái đất quay xung quanh Mặt trời.
Khi Trái đất quay một vòng xung quanh Mặt trời sẽ mất 365 ngày 6 giờ. Một năm bình thường (không nhuận) sẽ có 365 ngày và thừa ra 6 giờ. Như vậy, cứ sau 4 năm sẽ thừa 24 giờ (bằng một ngày). Do đó, cứ sau 4 năm thì năm thứ tư sẽ có 366 ngày, tức năm này là năm nhuận.
Trong khi đó, năm âm lịch được tính toán bởi chu kỳ thời gian Mặt trăng quay xung quanh Trái đất.
Khi Mặt trăng quay một vòng xung quanh Trái đất sẽ mất khoảng 29,53 ngày. Điều này dẫn tới một năm âm lịch chỉ có 354 ngày (29,5 ngày x 12 tháng), nó ngắn hơn năm dương lịch đến 11 ngày. Như vậy, cứ sau 3 năm lại ngắn hơn 33 ngày (hơn 1 tháng).
Để năm âm lịch vừa chỉ được tuần trăng, vừa không sai lệch nhiều với thời tiết của 4 mùa, cứ 3 năm âm lịch người ta phải cho thêm một tháng nhuận để năm âm lịch và năm dương lịch không chênh nhau quá nhiều. Điều này dẫn tới, năm nhuận âm lịch sẽ có 13 tháng.
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, năm âm lịch vẫn chậm hơn một chút so với năm dương lịch. Các nhà lịch học khắc phục tình trạng trên bằng cách là cứ 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận.
Trong 19 năm dương lịch có 228 tháng dương lịch (19 năm x 12 tháng), tương ứng với 235 tháng âm lịch, thừa 7 tháng so với năm dương lịch, gọi là 7 tháng nhuận. Bảy tháng trước đó được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 9 hoặc 8, 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm.
Với thắc mắc của mọi người, sau mấy năm sẽ có năm nhuận 1 lần. Có thể trả lời, với năm dương lịch cứ 4 năm lại có 1 năm nhuận; còn năm âm lịch trong 19 năm sẽ có 7 năm nhuận.
Cách biết năm nhuận?
Để xác định một năm nào đó có phải là năm nhuận dương lịch không, bạn chỉ cần lấy năm đó chia cho 4. Nếu kết quả năm đó chia hết cho 4 thì năm đó là năm nhuận dương lịch.
Tuy nhiên, với những năm tròn thế kỷ (ví dụ năm 1900, năm 2000), bạn phải lấy năm đó chia cho 400. Nếu như năm đó chia hết cho 400 thì năm đó là năm nhuận dương lịch.
Không giống như cách tính năm nhuận dương lịch, cách tính năm nhuận âm lịch phức tạp hơn nhiều, nhất là phần tính tháng nhuận.
Để xác định một năm nào đó có phải là năm nhuận âm lịch không, bạn lấy năm đó chia cho 19. Nếu số dư là một trong các số như: 0, 3, 6, 9, 11, 14, 17 thì năm đó nhuận âm lịch.
Chi tiết hơn, cách tính tháng âm lịch nào là tháng nhuận của năm nhuận âm lịch không hề đơn giản. Các nhà lịch học phải kinh nghiệm, tính toán công phu, chính xác và lập thành bảng để tuân theo. Không có một công thức đơn giản để tính như kiểu tính năm nhuận dương lịch.
Năm 2023 có phải năm nhuận không?
Về dương lịch, số 2023 không chia hết cho 4 và cũng không chia hết cho 400. Do đó, năm 2023 không phải năm nhuận dương lịch nên tháng 2 năm 2023 chỉ có 28 ngày.
Về âm lịch, số 2023 chia cho 19 = 106 dư 9. Do đó, năm 2023 sẽ là năm nhuận âm lịch, tức là sẽ có hai tháng âm lịch liên tiếp nhau và đó là tháng 2, theo cách tính toán của các nhà lịch học.