Theo báo cáo thường niên về phát thải khí nhà kính của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nồng độ của ba loại khí nhà kính gồm carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O) tiếp tục tăng vọt lên mức kỷ lục mới trong năm 2023.

Nồng độ CO2 trung bình toàn cầu đạt 420 phần triệu (ppm), CH4 đạt 1.934 phần tỉ (ppb) và N2O đạt 336,9 phần tỉ (ppb) vào năm 2023. Các giá trị này tương đương tăng 151%, 265% và 125% so với mức trước thời kỳ công nghiệp (trước năm 1750). Những giá trị này được tính toán dựa trên các quan sát dài hạn trong mạng lưới các trạm giám sát của Global Atmosphere Watch.

Lượng khí CO2 trong khí quyển tăng nhanh hơn bao giờ hết, tăng hơn 10% trong 2 thập kỷ qua. Năm 2023, lượng khí thải CO2 từ các đám cháy rừng lớn, khả năng giảm hấp thụ carbon của rừng, kết hợp lượng CO2 từ nhiên liệu hóa thạch vẫn cao từ các hoạt động của con người đã thúc đẩy sự gia tăng này. Lượng CO2 trong khí quyển năm 2023 tăng cao hơn năm 2022, mặc dù thấp hơn so với ba năm trước đó. Mức tăng hằng năm là 2,3 ppm, đánh dấu năm thứ 12 liên tiếp có mức tăng lớn hơn 2 ppm.

Mặc dù có sự thay đổi đáng kể lượng khí nhà kính theo từng năm do các hiện tượng tự nhiên như El Niño và La Niña. Nhưng trong các năm xảy ra hiện tượng El Niño, mức khí nhà kính có xu hướng tăng vì thảm thực vật khô hơn, đồng thời cháy rừng làm giảm hiệu quả các bồn chứa carbon trên đất liền.

Trong tương lai gần, bản thân biến đổi khí hậu có thể khiến các hệ sinh thái trở thành nguồn phát thải khí nhà kính lớn hơn. Cháy rừng có thể thải nhiều khí CO2 hơn vào khí quyển, trong khi đại dương ấm hơn có thể hấp thụ ít CO2 hơn. Do đó, CO2 có thể tồn tại trong khí quyển nhiều hơn, đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu.

Chừng nào lượng khí thải còn tiếp tục, khí nhà kính sẽ tiếp tục tích tụ trong khí quyển, dẫn đến nhiệt độ toàn cầu tăng. Do CO2 tồn tại cực kỳ lâu trong khí quyển, mức nhiệt độ quan sát được sẽ tồn tại trong nhiều thập kỷ ngay cả khi lượng khí thải giảm nhanh xuống mức bằng không.