Trăng tròn ngày nào?

Năm 2024 sẽ có 12 lần trăng tròn. Các ngày trăng tròn trong năm 2024 là:

● Thứ năm, ngày 25/1 (ngày 15 tháng 12 âm lịch)

● Thứ bảy, ngày 24/2 (ngày 15 tháng 1 âm lịch)

● Thứ hai, ngày 25/3 (ngày 16 tháng 2 âm lịch)

● Thứ ba, ngày 23/4 (ngày 15 tháng 3 âm lịch)

● Thứ năm, ngày 23/5 (ngày 16 tháng 4 âm lịch)

● Thứ sáu, ngày 21/6 (ngày 16 tháng 5 âm lịch)

● Chủ nhật, ngày 21/7 (ngày 16 tháng 6 âm lịch)

● Thứ hai, ngày 19/8 (ngày 16 tháng 7 âm lịch)

● Thứ tư, ngày 18/9 (ngày 16 tháng 8 âm lịch)

● Thứ năm, ngày 17/10 (ngày 15 tháng 9 âm lịch)

● Thứ sáu, ngày 15/11 (ngày 15 tháng 10 âm lịch)

● Chủ nhật, ngày 15/12 (ngày 15 tháng 11 âm lịch)

Siêu trăng xuất hiện khi nào trong năm 2024?

Trong 12 lần trăng tròn năm 2024, sẽ có hai lần xuất hiện siêu trăng.

● Ngày 18/9/2024. Siêu trăng xảy ra lúc 02:36 giờ UTC ngày 18/9, tức lúc 09:36 giờ Việt Nam ngày 18/9. Mặt trăng sẽ ở gần Trái đất nhất và có thể trông to hơn, sáng hơn bình thường một chút.

● Ngày 17/10/2024. Siêu trăng xảy ra lúc 11:26 giờ UTC ngày 17/10, tức lúc 18:26 giờ Việt Nam ngày 17/10. Mặt trăng sẽ ở gần Trái đất nhất và có thể trông to hơn, sáng hơn bình thường một chút.

Siêu trăng

Giờ UTC

Giờ Việt Nam

Ngày 18/9/2024

02:36

09:36

Ngày 17/10/2024

11:26

18:26

Siêu trăng là gì?

Siêu trăng là thuật ngữ để chỉ thời điểm Mặt trăng nằm ở vị trí gần Trái đất nhất trong quỹ đạo của nó quanh Trái đất. Mặt trăng quay quanh Trái đất theo quỹ đạo hình elip, do đó sẽ có một điểm gần Trái đất nhất, còn gọi là cận điểm (perigee) và một điểm ở xa Trái đất nhất, còn gọi là viễn điểm (apogee).

Thuật ngữ siêu trăng đề cập đến cả trăng tròn (trăng đầy) và trăng non (trăng mới) ở vị trí cận điểm. Nhưng vì không thể nhìn thấy được trăng non từ Trái đất nên siêu trăng chủ yếu nói về trăng tròn ở vị trí cận điểm. Thực tế, năm 2024 cũng có ba siêu trăng non (trăng mới) diễn ra vào ngày 9/2, ngày 10/3 và ngày 8/4 nhưng chúng ta không thấy được.

Trăng tròn ở cận điểm thu hút sự chú ý hơn trăng tròn thông thường vì trông có vẻ lớn hơn và sáng hơn mức trung bình, thường được gọi phổ biến là siêu trăng. Tuy nhiên, nếu không chú ý, bạn nhìn siêu trăng so sánh với trăng tròn các tháng trước và các tháng tiếp theo, có thể sẽ không nhận thấy sự khác biệt nào. Siêu trăng chỉ lớn hơn khoảng 7% và sáng hơn 15% so với trăng tròn thông thường.

Tên siêu trăng lần đầu tiên được đặt ra bởi nhà chiêm tinh Richard Nolle vào năm 1979. Về định nghĩa siêu trăng, không có quy tắc chính thức nào về việc Mặt trăng phải ở gần Trái đất bao nhiêu để đủ điều kiện gọi là siêu trăng. Do đó, siêu trăng ở nguồn phân loại này có thể không đủ tiêu chuẩn là siêu trăng theo nguồn phân loại khác.

Thông thường, trăng tròn được xem là siêu trăng khi tâm Mặt trăng cách tâm Trái đất khoảng 360.000 km hoặc ngắn hơn. Hai lần siêu trăng diễn ra trong năm 2024, khoảng cách từ tâm Mặt trăng đến tâm Trái đất khoảng hơn 357.000 km một chút.